Phác đồ điều trị viêm VA!

Viêm VA chắc hẳn không còn là chứng bệnh xa lạ với mọi người, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ vì đây là một chứng bệnh hô hấp gặp nhiều ở trẻ nhỏ. Vậy các bạn có biết phác đồ điều trị viêm VA hiệu quả? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Phác đồ điều trị viêm VA! 1

Tìm hiểu về viêm VA

VA là tổ chức lympho bao gồm nhiều tế bào bạch cầu nằm phía trong vòm họng, ngay sau mũi có chức năng bảo vệ, loại bỏ các loại vi khuẩn, virus không thể tấn công vào trong cơ thể. VA xuất hiện từ lúc trẻ mới sinh nhưng hoạt động mạnh nhất là từ khi trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, đến giai đoạn từ 9-10 tuổi thì VA bắt đầu teo lại và biến mất khi trẻ đến tuổi dậy thì.

Viêm VA là tình trạng VA bị viêm nhiễm và có những biểu hiện bất thường, nếu không được điều trị nhanh chóng thì chúng sẽ bị phì đại gây bít tắc cửa mũi cũng như lỗ thông khí vào tai giữa. Do đó có thể gây nên nhiều chứng bệnh khác như viêm xoang, nhiễm trùng mũi họng, viêm thanh quản, viêm tai giữa,… Việc chậm trễ, lơ là, chủ quan trong điều trị viêm VA có thể sẽ khiến bệnh tiến triển sang giai đoạn mãn tính, điều trị sẽ phức tạp hơn nhiều, không những vậy còn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khác như viêm cầu thận, thấp khớp, viêm hạch,…

☛ Tìm hiểu thêm: Viêm VA – Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây viêm VA

Một số yếu tố dưới đây được coi là nguyên nhân gây nên bệnh viêm VA:

  • Do bị vi khuẩn hoặc virus tấn công. Vi khuẩn điển hình là Streptococcus, còn virus thì gồm các loại như: Epstein – Barr, adenovirus, rhovovirus,…
  • Do trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn yếu, chưa hoạt động hiệu quả nên rất dễ bị các tác nhân xấu bên ngoài tấn công và gây bệnh
  • Mắc viêm VA do đang bị các bệnh đường hô hấp khác như viêm amidan, viêm họng,…
  • Do sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi độc hại,…

Triệu chứng viêm VA theo từng giai đoạn

Triệu chứng viêm VA theo từng giai đoạn 1

Các triệu chứng của viêm VA rất dễ nhầm lẫn với những bệnh đường hô hấp khác chẳng hạn như viêm amidan, do đó cần phải chú ý quan sát, phân biệt để việc chẩn đoán và chữa trị thuận lợi hơn. Tùy từng giai đoạn và viêm VA có những biểu hiện khác nhau, cụ thể:

Triệu chứng viêm VA cấp tính:

  • Trẻ bị sốt, thậm chí là sốt cao đến 39-40 độ C
  • Nghẹt mũi, sổ mũi, ngủ ngáy, khó thở, có thể xuất hiện hiện tượng co giật
  • Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, bỏ ăn, chán ăn, đau rát họng

Dấu hiệu viêm VA mãn tính:

  • Trẻ bị ho thường xuyên và kéo dài
  • Nghẹ mũi, sổ mũi kéo dài
  • Khó thở, thở khò khè, ngủ ngáy
  • Trẻ bị viêm VA mãn tính thường chậm lớn hơn bình thường do ảnh hưởng của triệu chứng biếng ăn, chán ăn, mệt mỏi,…
  • Có thể xuất hiện các triệu chứng như quấy khóc, tiêu chảy, ngủ không sâu giấc,….

Chẩn đoán viêm VA

Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán lâm sàng với viêm VA cấp tính

Triệu chứng toàn thân: Ở trẻ sơ sinh thì sẽ sốt cao, sốt đột ngột đến 39-40 độ C, có thể kèm theo những phản ứng dữ dội như co giật, co thắt thanh quản,… Còn trẻ lớn hơn thì các triệu chứng cũng tương tự nhưng diễn biến sẽ nhẹ hơn ở trẻ sơ sinh

Triệu chứng cơ năng: Trẻ bị nghẹt mũi, thậm chí là nghẹt mũi hoàn toàn và phải thở bằng miệng, thở nhanh, khó thở, nhịp không đều, bỏ ăn, bỏ bú, quấy khóc. Trẻ lớn hơn có thể không bị ngạt mũi hoàn toàn nhưng lại thở ngáy hoặc nói giọng mũi. Còn người lớn nếu viêm VA sẽ bị thêm viêm họng sau lưỡi gà, ù tai, nghe kém.

Triệu chứng thực thể: 

  • Hốc mũi chứa đầy mủ nhầy khiến không thể hoặc khó khăn khi khám vòm họng qua mũi trước.
  • Với trẻ lớn hơn sau khi hút sạch mũi nhầy trong hốc mũi và đặt thuốc làm co niêm mạc mũi thì có thể nhìn thấy VA ở nóc vòm họng được bao phủ bởi lớp mủ nhầy
  • Khám họng thấy niêm mạc đỏ, niêm mạc thành sau họng có một lớp nhầy trắng hoặc vàng phủ lên trên.
  • Khám tai thấy màng nhĩ mất bóng, trở nên xám đục, hơi lõm vào do tắc vòi nhĩ – đây là triệu chứng rất có giá trị để chẩn đoán V.A.
  • Có thể sờ thấy hạch nhỏ ở góc hàm, rãnh cảnh,… sờ vào cảm giác hơi đau và không thấy hiện tượng viêm quanh hạch
  • Nội soi mũi sau hoặc cửa mũi sau gián tiếp bằng gương nhỏ ở trẻ lớn và người lớn sẽ thấy tổ chức VA sưng đỏ, phình to và có mủ nhầy bên trên.

Chẩn đoán lâm sàng với viêm VA mãn tính

Những triệu chứng này xuất hiện nhiều ở trẻ từ 18 tháng đến 6-7 tuổi

Triệu chứng toàn thân: Trẻ thường hay sốt vặt, phát triển chậm hơn các bạn đồng trang lứa, kém nhanh nhẹn, ăn uống kém, da xanh xao, người gầy. Trẻ đãng trí, học kém, không tập trung do tai nghe nghễnh ngãng và não thiếu oxy vì thiếu thở mãn tính.

Triệu chứng cơ năng:

  • Trẻ ngặt tắc mũi, thường xuyên thở bằng miệng, nói giọng mũi kín.
  • Mũi viêm tiết nhầy và chảy mũi thò lò ra cửa mũi trước.
  • Tai nghe kém và hay bị viêm
  • Ngủ không yên giấc, ngáy to, hay giật mình
  • Ho khan

Triệu chứng thực thể:

  • Soi mũi trước thấy hốc mũi đầy mủ nhầy, niêm mạc mũi phù nề, cuốn mũi dưới phù nề. Hút hết dịch mủ nhầy, làm co niêm mạc mũi có thể nhìn thấy khối sùi bóng, đỏ mấp mé ở cửa mũi sau.
  • Khám họng thấy thành sau họng có nhiều khối lympho to bằng hạt đậu xanh và mũi nhầy chảy từ vòm xuống họng
  • Khám tai thấy màng nhĩ sẹo hoặc lõm vào, màu hồng do xung huyết toàn bộ ở màng nhĩ hoặc góc sau trên hoặc ở dọc cán xương búa hoặc ở vùng màng trùng.
  • Trẻ có bộ mặt V.A (sùi vòm): da xanh, miệng há, răng vẩu, răng mọc lệch, môi trên bị kéo xếch lên, môi dưới dài thõng, hai mắt mở to, người ngây ngô.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Các xét nghiệm thường không có gì đặc biệt, trường hợp viêm V.A cấp nếu do vi khuẩn khi xét nghiệm công thức máu sẽ có số lượng bạch cầu tăng cao.

Chẩn đoán phân biệt

  • V.A to ở trẻ khỏe mạnh: không có triệu chứng bệnh lý.
  • Ngạt mũi do viêm xoang, bệnh lý vách ngăn: khám thực thể để loại trừ.
  •  Khối u, polyp cửa mũi sau: khám thực thể, sinh thiết để loại trừ.
  • Áp xe thành sau họng: khối phồng thường nằm ở thấp dưới vòm họng.

Phác đồ điều trị viêm VA

Phác đồ điều trị viêm VA 1

Nguyên tắc điều trị viêm VA

Đối với viêm VA cấp tính, chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, chỉ dùng kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng.

Đối với viêm VA mạn tính chủ yếu là cân nhắc chỉ định phẫu thuật nạo VA.

☛ Xem thêm: Nạo VA và các phương pháp nạo VA

Điều trị viêm VA cấp tính

  • Điều trị như viêm mũi cấp tính thông thường bằng hút mũi, nhỏ mũi để bệnh nhân dễ thở và thuốc sát trùng nhẹ (ephedrin 1%, argyron 1%) dùng cho trẻ nhỏ.
  • Khí dung mũi: corticoid và kháng sinh.
  • Kháng sinh toàn thân: dùng cho những trường hợp nặng và có biến chứng.
  • Những trường hợp viêm VA cấp tính kéo dài, bác sĩ phải nắn vòm để đẩy hết mủ tụ lại trong tổ chức V.A hoặc nạo V.A “nóng” với điều kiện cho kháng sinh liều cao trước và sau khi điều trị, nhưng trường hợp này rất hiếm.

Điều trị viêm VA mạn tính

Với trường hợp viêm VA mãn tính, đe dọa biến chứng thì các bác sĩ thường chỉ định nạo VA để điều trị dứt điêm. Nạo VA hiện nay là phương pháp điều trị rất phổ biến, nhưng khi nào nạo và không nạo V.A cần phải thực hiện theo đúng chỉ định và chống chỉ định của bác sĩ.

Chỉ định phẫu thuật nạo VA khi:

  • VA bị nhiều đợt viêm cấp tính, tái đi tái lại (5 – 6 lần /1 năm).
  • VA gây các biến chứng gần: viêm tai, viêm đường hô hấp, viêm hạch.
  • VA gây biến chứng xa: viêm khớp cấp tính, viêm cầu thận cấp tính…
  • VA quá phát, ảnh hưởng đến đường thở.
  • Thường tiến hành nạo VA cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, thời gian hợp lý nhất là từ 18-36 tháng tuổi.

Chống chỉ định nạo VA khi:

  • Chống chỉ định tuyệt đối: bệnh ưa chảy máu, rối loạn đông máu.
  • Chống chỉ định tương đối: Khi đang có viêm V.A cấp tính. Khi đang có nhiễm virus cấp tính như: cúm, sởi, ho gà, sốt xuất huyết… Bệnh nhân cơ địa dị ứng, hen phế quản, hở hàm ếch. Bệnh mạn tính: lao, giang mai, AIDS… Thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Phương pháp nạo VA:

Nạo V.A là thủ thuật tương đối đơn giản, nhanh, có hiệu quả, được coi là biện pháp vừa điều trị (nạo bỏ hết tổ chức V.A), vừa phòng bệnh (tránh các biến chứng do V.A gây ra). Có thể nạo bằng bàn nạo La Force hoặc bằng thìa nạo La Moure (gây tê) hoặc bằng dao Hummer, Coblator, dao Plasma (gây mê, kết hợp nội soi mũi…). Cắt amidan kết hợp nạo VA dưới gây mê nội khí quản bằng dao điện, Laser, Hummer…

Biến chứng viêm VA

Biến chứng viêm VA 1

Những biến chứng có thể xảy ra khi bị viêm VA:

  • Viêm thanh khí phế quản: VA có thể gây nên những cơn khó thở đột ngột, dữ dội về đêm và kèm theo cơn hen xuất hiện nhanh hơn và nặng hơn.
  • Viêm tai giữa: vi khuẩn theo vòi Eustachi vào hòm nhĩ.
  • Viêm đường tiêu hoá: đau bụng đi ngoài ra nhầy, nước.
  • Viêm hạch gây áp xe (như hạch Gillette): đó là áp xe thành sau họng trẻ nhỏ.
  • Thấp khớp cấp.
  • Viêm cầu thận cấp.
  • Viêm ổ mắt: viêm màng tiếp hợp, viêm mi mắt, chảy nước mắt.
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể: cơ thể bị biến dạng, lồng ngực bị dẹp và hẹp bề ngang, lưng cong hoặc gù, bụng ỏng đít teo. Luôn mệt mỏi lười biếng, buồn ngủ, kém thông minh, nguyên nhân do nghe kém và thở kém nên cơ thể không bình thường.

Phòng bệnh viêm VA

Để hạn chế bị mắc viêm VA cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Tăng cường sức đề kháng của trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, sử dụng các thuốc bổ, thuốc tăng cường miễn dịch đối với trẻ có sức khỏe yếu, suy dinh dưỡng.
  • Phòng tránh, hạn chế lây lan các bệnh lây truyền theo đường hô hấp, vệ sinh mũi họng, răng miệng tốt.
  • Giữ ấm khi thời tiết thay đổi.
  • Khi có dấu hiệu viêm nhiễm mũi họng, cần điều trị đúng và kịp thời.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về chứng bệnh viêm VA cũng như phác đồ điều trị viêm VA hiệu quả. Hi vọng qua các thông tin này, các bạn có thêm kiến thức chăm sóc tốt sức khỏe của bản thân và trẻ nhỏ trong gia định, nhất là vào giai đoạn thời tiết trở lạnh như thế này. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào về chứng bệnh viêm VA, các bạn có thể gọi điện tới tổng đài miễn cước 18001208. Các chuyên gia hô hấp luôn sẵn sàng hỗ trợ!

Cập nhật lúc: 17/01/2024
*CẢNH BÁO* Hiện nay có một số đối tượng giả danh công ty Thái Minh để “lừa dối” khách hàng. Vì vậy, từ ngày 01/02/2022 THÁI MINH sẽ sử dụng số điện thoại duy nhất 0986.01.01.01 để liên hệ GỌI RA và chăm sóc khách hàng. Trân trọng!

Bài viêt liên quan

Xem thêm »

Có thể bạn quan tâm

Loading...