Khi nào nên nạo VA? Nạo VA có phải nằm viện không?

Chào bác sĩ, Em năm nay 26 tuổi, đã có một bé gái năm nay 3 tuổi. Em đang có thắc mắc này muốn hỏi bác sĩ. Dạo gần đây thời tiết thay đổi thất thường, đạng nóng tự nhiên chuyển lạnh đột ngột, bé nhà em mấy ngày hôm nay bỗng bị sổ mũi, nghẹt mũi và sốt. Em đã đưa cháu đi khám và được chẩn đoán là bị viêm VA. Em nghe các chị đồng nghiệp bảo là nếu bị viêm VA thì nên cho trẻ đi nạo VA để điều trị dứt điểm. Em cũng đang phân vân vì tình trạng bé nhà em cũng chỉ mới bị viêm VA nhẹ, với cả bé cũng rất sợ tới bệnh viện. Vậy bác sĩ cho em hỏi là khi nào nên nạo VA cho trẻ? Và nạo VA có gây nên biến chứng gì không? Trong trường hợp này em phải làm gì để bé nhanh khỏi. Em cảm ơn bác sĩ!

Thu Ngân - Thái Bình

Trả lời

Chào Thu Ngân, cảm ơn bạn đã gửi những thắc mắc đang gặp phải về cho chúng tôi. Về vấn đề của bạn, chuyên gia viêm đường hô hấp xin trả lời như sau:

Thứ nhất cần phải hiểu rõ viêm VA là gì? Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm VA

VA (Végétations Adénoides) là một tổ chức lympho nằm ở vòm họng, là một phần thuộc vòng bạch huyết Waldeyer.VA không giới hạn nhất định, phía trước có thể lan tới cửa mũi sau, phía bên có thể lan tới lỗ vòi Eustache, phía dưới có thể lan tới thành sau họng miệng. VA xuất hiện ở trẻ rất sớm và phát triển mạnh ở lứa tuổi từ 1-5 tuổi và bắt đầu thoái triển từ 5-6 tuổi trở đi, đến tuổi dậy thì hầu như không còn thấy dấu tích của VA. Viêm VA là tình trạng VA bị viêm cấp tính hay mạn tính do các loại vi khuẩn như vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A, Haemophilus Influenzae… hoặc virus như Adenovirus, Myxovirus, Rhinovirus… gây nên. Theo ước tính thì khoảng 15% đến 30% các trường hợp viêm VA là do vi khuẩn. Khi trẻ bị viêm VA sẽ có các triệu chứng như sốt cao, nghẹt mũi, thở khò khè, chảy nước mũi, ho, ngủ không sâu, đau tai, nghe kém,... ☛ Bạn có thể tìm hiểu thêm về chứng bệnh qua bài: Viêm VA - chứng bệnh trẻ nhỏ rất dễ mắc

Thứ hai là khi nào cần nạo VA cho trẻ

Nạo VA là một thủ thuật đơn giản nhằm loại bỏ các mô bạch huyết họng nhiễm bệnh. Tuy nhiên không phải trường hợp bị viêm nào cũng nên nạo VA. Trường hợp viêm VA không biến chứng ở trẻ em là quá trình có lợi cho cơ thể vì giúp hình thành miễn dịch. Viêm VA chỉ trở thành bệnh lý khi tái phát thường xuyên hoặc gây nên những biến chứng, nhất là biến chứng viêm tai giữa. Việc có nên nạo VA hay không cần được sự thăm khám, theo dõi và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nạo VA chỉ được chỉ định trong các trường hợp sau:
  • VA bị nhiều đợt viêm cấp tính, tái đi tái lại (5 – 6 lần /1 năm).
  • VA bị viêm gây ra các biến chứng gần như viêm tai, viêm đường hô hấp, viêm hạch,...
  • Hoặc viêm VA gây biến chứng xa như viêm khớp cấp tính, viêm cầu thận cấp tính…
  • VA quá phát gây bít tắc đường thở, khiến trẻ gặp phải tình trạng ngưng thở khi ngủ
Chỉ nên tiến hành nào VA cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở nên và thời điểm lý tưởng nhất là từ 18-36 tháng tuổi. Để biết các phương pháp nạo VA tốt nhất, bạn nên tìm hiểu bài: Tất tần tật các phương pháp nạo VA cho trẻ

Thứ ba là nạo VA cho trẻ có gây biến chứng gì không?

Tuy nạo VA là một thủ thuật đơn giản, tiến hành nhanh chóng và ít gây biến chứng. Nhưng vì mỗi bệnh nhân có đáp ứng khác nhau với phẫu thuật, phản ứng với gây mê và khả năng lành thương cũng khác nhau nên rất khó dự đoán chắc chắn kết quả phẫu thuật và các biến chứng tiềm ẩn. Vì vậy các bậc cha mẹ cần chuẩn bị kỹ lưỡng, cân nhắc kỹ càng trước khi cho trẻ nạo VA.

Một số biến chứng tiềm ẩn có thể kể đến như:

  • Trẻ bị nhiễm trùng, mất nước, đau kéo dài hoặc liền thương chậm sau phẫu thuật
  • Trẻ bị chảy máu nhiều sau nạo VA
  • Thay đổi giọng nói sau phẫu thuật
  • Trẻ bị thoát đồ ăn lỏng hoặc đặc qua mũi
  • VA có thể mọc lại sau khi nạo

Cuối cùng là làm gì khi trẻ bị viêm VA

Theo như bạn Ngân nói thì bé nhà bạn chỉ mới mắc viêm VA nhẹ. Vậy trong trường hợp này để bé nhanh khỏi bạn có thể lưu ý những vấn đề sau:
  • Trẻ bị viêm VA nhẹ (viêm VA cấp) thì chủ yếu điều trị các triệu chứng, nâng cao thể trạng. Và chỉ nên dùng kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc cần được sự cho phép của bác sĩ
  • Việc điều trị viêm VA ở giai đoạn này cũng như điều trị viêm mũi cấp tính thông thường bằng cách hút mũi, nhỏ mũi để bé dễ thở và sử dụng thuốc sát trùng nhẹ (ephedrin 1%, argyron 1%) dùng cho trẻ nhỏ.
  • Nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, xây dựng chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý
Ngoài ra việc chăm sóc trẻ lúc này cũng rất quan trọng. Các mẹ có thể thực hiện các việc sau để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh:
  • Nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy để sát khuẩn.
  • Ngoài ra mẹ có thể cho bé súc miệng với nước nghệ ấm vài lần trong ngày hoặc có thể trộn nghệ với nước muối ấm cho trẻ ngậm để giúp giảm đau tức thời cho trẻ. Tuy nhiên mẹ nên nhớ chỉ nên dùng nghệ vàng .
  • Mẹ có thể đun sôi một ít lá bạc hà tươi trong nước và cho trẻ uống để làm dịu niêm mạc họng đồng thời loại bỏ tình trạng hơi thở có mùi
  • Nước chanh, cam bưởi…  rất tốt cho việc tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Ngoài ra nước chanh còn có đặc tính kháng virus, kháng khuẩn và kháng viêm rất tốt.
  • Bổ sung các loại vitamin tổng hợp trong và sau quá trình viêm VA vừa giúp trẻ nhanh khỏi hơn, vừa tăng cường đề kháng cho trẻ
Trên đây là những thông tin mà các chuyên gia viêm đường hô hấp muốn gửi đến bạn Thu Ngân. Hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn có thêm kiến thức để chăm sóc bé tốt hơn. Chúc bạn và bé luôn khỏe mạnh. Thân ái!

Bài viết liên quan

Xem thêm »
Loading...