Viêm VA có cần uống kháng sinh?
Chào bác sĩ,
Bé nhà em năm nay 4 tuổi, mấy hôm nay thời tiết trở lạnh, em thấy bé có triệu chứng sốt cao, khó thở, chảy nước mũi nhiều, mệt mỏi,... nên đưa cháu đi khám thì được kết luận là bị viêm VA cấp. Sau khi khám xong, bác sĩ có kê cho bé một số loại thuốc như hạ sốt, kháng sinh, dung dịch vệ sinh mũi họng,... và hướng dẫn mẹ cách chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, em vẫn còn phân vân không biết có nên cho bé uống thuốc kháng sinh không vì sợ nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến trẻ. Vậy bác sĩ cho em hỏi là trẻ bị viêm VA có cần uống kháng sinh không? Và với trường hợp như bé nhà em thì em phải làm gì giúp bé nhanh thoát khỏi tình trạng này?
Em cảm ơn bác sĩ!
Thu Nguyệt - Thạch Thất
Trả lời
Chào bạn Nguyệt, cảm ơn bạn đã gửi những thắc mắc về cho chúng tôi. Về vấn đề bạn đang lo lắng, chuyên gia viêm đường hô hấp xin được giải đáp như sau:1. Tại sao trẻ lại rất dễ bị viêm VA
VA được biết đến là các hạch bạch huyết nằm ở nóc vòm, phía sau cửa mũi sau, có tác dụng lọc vi khuẩn từ môi trường bên ngoài vào trong cơ thể trong quá trình hít thở. Viêm VA là tình trạng VA bị sưng viêm, nhiễm trùng, quá phát,... do vi khuẩn hoặc virus tấn công ồ ạt gây nên. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ nhỏ khi thời tiết lạnh với các dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với các chứng bệnh đường hô hấp thông thường như viêm họng, viêm mũi. VA bình thường có kích thước nhỏ, khoảng 4-5mm, rất mỏng và xếp theo hình lá. Từ 6 tháng tuổi thì VA phát triển dần với chức năng miễn dịch, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại tấn công cơ thể. Từ 9-10 tuổi thì VA bắt đầu teo nhỏ lại và biến mất khi trẻ dậy thì. Viêm VA thường chia thành 2 loại đó là viêm VA cấp tính và viêm VA mãn tính. Viêm VA cấp tính là sự viêm nhiễm cấp tính khiến các mổ lympho vòm họng bị tổn thương, nhiễm khuẩn nặng dẫn tới sưng phồng, xuất tiết hoặc có mủ. Lúc này trẻ sẽ có các triệu chứng như sốt cao kèm chảy nước mũi, nước mũi ngày càng đặc dần, trẻ nghẹt mũi, quấy khóc, bỏ ăn,... Viêm VA mãn tính là tình trạng viêm VA cấp tính tái đi tái lại nhiều lần. Khi đó, ngoài các triệu chứng lâm sàng như viêm VA cấp, trẻ còn xuất hiện thêm các bệnh lý phát sinh ở tai, mũi, các cơ quan hô hấp dưới khác,... ☛ Xem chi tiết: Viêm VA - Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm VA ở trẻ, điển hình như:- Do cơ thể bị nhiễm lạnh hoặc có thói quen ăn uống đồ quá lạnh
- Do các vi khuẩn và virus có sẵn ở mũi họng gặp điều kiện thuận lợi, phát triển mạnh, tấn công và gây viêm VA
- Thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi,...
- Trẻ có thể bị viêm VA sau khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác như cúm, sởi, ho gà,...
- Do cấu trúc của VA có nhiều khe hốc, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn cứ trú và phát trển.
- Vị trí VA nằm ở vòm mũi họng, được coi là cửa ngõ của đường thở nên vi khuẩn và virus rất dễ xâm nhập gây viêm.
- Sức đề kháng ở trẻ nhỏ cũng yếu hơn nên rất dễ bị các tác nhân gây hại tấn công, gây viêm nhiễm
2. Trẻ bị viêm VA có nguy hiểm?
Viêm VA tuy là chứng bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhưng chúng lại rất dễ tái phát. Với trường hợp trẻ bị viêm VA mãn tính, bệnh có thể ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và trí tuệ. Thậm chí nếu kéo dài, không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây nên các biến chứng như:- Các biến chứng ở tai như viêm tai giữa, viêm tai ứ mủ, viêm xương chũm cấp do dịch viêm từ mũi chảy vào tai thông qua lỗ vòi tai. Các biến chứng ở tai khiến khả năng nghe bị suy giảm, ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ, học tập của trẻ.
- Gây các biến chứng viêm mũi, viêm xoang, một vài trường hợp chữa không đúng cách có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm hơn là viêm tấy hốc mắt
- Về lâu dài có thể dẫn tới các biến chứng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, viêm phổi,...
- Gây ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ, kéo dài có thể dẫn tới suy tim, biến chứng gương mặt VA
3. Bị viêm VA có cần uống kháng sinh
Khi trẻ có các dấu hiệu bị viêm VA thì các bậc cha mẹ nên đưa bé đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và mức độ và tình trạng bệnh, đồng thời có các hướng dẫn điều trị phù hợp.- Với những trẻ bị viêm VA nhẹ thì có thể không cần phải điều trị bằng thuốc, các bậc cha mẹ chỉ cần tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và đề kháng cho trẻ, thường xuyên rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0.9% rồi hỉ mũi (hút mũi) sạch, giữ gìn vệ sinh và luôn giữ ấm tốt cho trẻ là được.
- Với trường hợp trẻ bị viêm VA cấp hoặc nặng hơn thì nên đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thăm khám sớm và điều trị kịp thời, đúng cách. Lúc này trẻ có thể được cho dùng các loại thuốc như kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt, chống dị ứng,... để điều trị nguyên nhân cũng như khắc phục triệu chứng bệnh.
- Còn với trường hợp trẻ bị viêm VA cực nặng, nghẹt mũi hoàn toàn, nguy cơ gây biến chứng thì các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nạo VA để điều trị triệt để.
4. Làm gì khi trẻ bị viêm VA
Khi trẻ bị viêm VA, song song với việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, các bậc phụ huynh cần lưu ý thêm các biện pháp chăm sóc giúp trẻ giảm bớt các triệu chứng khó chịu, nhanh hồi phục và ngăn ngừa tái phát như sau:- Nếu trẻ sốt thì có thể dùng khăn nhúng nước ấm để đắp lên trán, đồng thời lau nách, bẹn, cổ,... giúp hạ bớt nhiệt
- Chú ý vệ sinh mũi họng thường xuyên cho trẻ. Nếu trẻ ngạt mũi nhẹ, các dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay băng khăn mềm. Nếu dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nhỏ thêm vài giọt nước muối sinh lý sau đó nhẹ nhàng day mũi, giúp trẻ hỉ mũi ra. Trường hợp quá nhiều dịch mũi thì có thể dùng dụng cụ hút mũi làm sạch mũi cho trẻ, tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
- Cần bổ sung, tăng cường đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ nhằm tăng cường sức đề kháng, giúp trẻ nhanh khỏe. Nên chia thành nhiều bữa cho trẻ ăn trong ngày, không nên ép trẻ ăn hết cùng một lúc
- Có thể dùng một số bài thuốc dân gian như quất hấp mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để chữa ho, giảm các triệu chứng khó chịu khác
- Chú ý giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là trong mùa lạnh, tuyệt đối không nên cho trẻ đi chân trần
- Giữ gìn môi trường sống của trẻ luôn sạch sẽ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, độc hại
- Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ
Loading...