Thế nào là viêm amidan lưỡi?
Nói đến viêm amidan chắc hẳn trong chúng ta không ai còn xa lạ với chứng bệnh này, một chứng bệnh đường hô hấp phổ biến. Viêm amidan có nhiều thể khác nhau mà không phải ai cũng biết hết, chẳng hạn như viêm amidan vòm mũi họng, viêm amidan khẩu cái, viêm amidan lưỡi,… Trong đó viêm amidan lưỡi là thể phổ biến hơn cả, hãy cùng tìm hiểu về chứng bệnh này xem nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị như thế nào nhé.
Mục lục
Viêm amidan lưỡi là gì?
Amidan lưỡi là tổ chức lympho nằm ở vị trí đáy lưỡi, phía sau V lưỡi. Đây là một vùng phản xạ nhạy bén do bị chi phối của dây thần kinh lưỡi – họng và cách nhanh của dây thanh quản trên.
Viêm amidan lưỡi là tình trạng amidan lưỡi bị tổn thương, viêm nhiễm do các loại vi khuẩn, vi rút và nấm tấn công. Khi đó người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng khó chịu như sưng nhức, đau rát vùng lưỡi và họng, ho nhiều, một số chỗ thuộc lympho có thể bị viêm, mưng mủ,…
Nguyên nhân gây viêm amidan lưỡi
Viêm amidan lưỡi được gây nên bởi nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Do vi khuẩn và vi rút xâm nhập mạnh mẽ khiến amidan bị suy yếu chức năng miễn dịch dẫn đến tình trạng sưng viêm amidan lưỡi
- Do sức đề kháng của cơ thể yếu nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập, tấn công
- Vệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại sinh sôi và phát triển gây viêm amidan
- Thời tiết thay đổi thất thường, môi trường ô nhiễm cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn gây hại
- Do bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp khác, vi khuẩn từ những chỗ bị viêm đó lây lan đến vùng amidan lưỡi gây viêm
Dấu hiệu viêm amidan lưỡi
Những dấu hiệu thường thấy khi bị viêm amidan lưỡi gồm:
- Nổi hạch ở góc hàm gây sưng đau, có các biểu hiện ban đầu khá giống viêm họng cấp
- Thờ khò khè, mất ngủ, khó ngủ
- Bề mặt lưỡi của người bệnh trắng bệnh, cáu bẩn, khô giọng
- Bề mặt niêm mạc họng có hiện tượng xuất tiết và sưng đỏ, hai amidan có thể sưng to, đau tấy và có thể xuất hiện những chấm mủ trắng
- Đau cuống họng, ho nhiều, ho khan, ho có đờm
- Có thể xuất hiện tình trạng sốt
Viêm amidan lưỡi có nguy hiểm?
Viêm amidan lưỡi sẽ không nguy hiểm nếu được điều trị kịp thời, đúng cách. Ngược lại, nếu chủ quan, xử lý chậm trễ hoặc điều trị sai cách, chứng bệnh có thể gây nên các biến chứng với mức độ nguy hiểm khác nhau. Các biến chứng có thể xảy ra ngay tại vị trí viêm hoặc gây biến chứng cho những cơ quan khác ngoài amidan, thậm chí là gây nên những biến chứng toàn thân, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Các biến chứng cụ thể như sau:
– Biến chứng tại chỗ: Xảy ra trực tiếp tại vị trí amidan lưỡi, gồm các biến chứng như mưng mủ, viêm loét amidan, áp xe amidan,…
– Biến chứng kế cận (biến chứng gần): Xảy ra tại các cơ quan xung quanh amidan, gồm có: Viêm họng, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phế quản, áp xe thành họng,…
– Biến chứng toàn thân: Biến chứng này không chỉ gây ảnh hưởng đến một vài cơ quan mà nó ảnh hưởng đến toàn thân, tổng thể. Bao gồm: Nhiễm khuẩn huyết, sốt thấp khớp, viêm cầu thận, viêm màng tim,…
Chính vì vậy, để phòng ngừa, hạn chế những biến chứng này xảy ra, người bệnh cần thăm khám, tiếp nhận điều trị ngay khi thấy xuất hiện dấu hiệu của viêm amidan lưỡi.
Điều trị viêm amidan lưỡi
Viêm amidan lưỡi giai đoạn cấp tính
Trường hợp mắc viêm amidan lưỡi nhưng còn trong giai đoạn cấp tính thì người bệnh cần chủ động điều trị sớm như vậy khả năng điều trị dứt điểm sẽ cao hơn, tránh trường hợp để lâu bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng, quá trình điều trị sẽ tốn kém, mất thời gian và kết quả không khả quan.
Giai đoạn này người bệnh có thể sử dụng kết hợp một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ làm các triệu chứng của bệnh giảm đáng kể, ngăn ngừa tình trạng bệnh tái phát đến mức tối thiểu. Chi tiết các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm amidan lưỡi cấp tính gồm:
- Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp viêm amidan lưỡi do vi khuẩn gây ra. Các loại thường được chỉ định như Penicillin, Amoxicillin, Cefadroxil, Erythromycin,…
- Thuốc kháng viêm: Giúp giảm tình trạng viêm nhiễm do viêm amidan gây ra. Các loại gồm: Alphachymotrypsin, Prednisolon, Dexamethason, Betamethason,…
- Thuốc giảm xung huyết, phù nề: Alpha choay, Amitase,…
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, Ibuprofen, Aspirin,..
- Thuốc điều trị triệu chứng khác: Giảm ho, long đờm, thuốc súc họng, sát khuẩn,… Các thuốc này sẽ được chỉ định trong trường hợp các triệu chứng tương ứng xuất hiện.
Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý là không được tự ý mua thuốc về sử dụng nếu không được sự hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc sai sẽ dẫn đến những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Viêm amidan lưỡi giai đoạn mãn tính
Khi viêm amidan lưỡi cấp tính không được chữa trị kịp thời, dứt điểm người bệnh sẽ rơi vào tình trạng viêm amidan lưỡi mãn tính, khi đó việc điều trị sẽ rất khó khăn, mất nhiều thời gian.
Với trường hợp nhẹ các bác sĩ có thể kê thuốc để điều trị, còn trường hợp nặng hơn thì phẫu thuật cắt bỏ amidan là phương pháp phổ biến. Tuy nhiên để chắc chắn thì bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ lưỡng bởi phương pháp này tốn kém chi phí và cũng mang lại nhiều rủi ro. Ngoài ra thì người bệnh cần được kiểm tra kỹ sức khỏe trước khi có ý định phẫu thuật vì có nhiều trường hợp sức khỏe không tốt thì phương pháp phẫu thuật được khuyên không sử dụng.
Một số phương pháp phẫu thuật cắt amidan hiện nay gồm:
– Cắt amidan bằng Coblator: Phương pháp này sử dụng sóng radio cao tần để phá hủy các mô amidan. Đây được coi là phương pháp cắt amidan tối ưu nhất hiện nay. Thời gian thực hiện nhanh, ít gây bỏng và ít gây tổn thương đến các mô lành xung quanh. Tuy nhiên, chi phí thực hiện phương pháp này khá cao và không phải bệnh viện nào cũng có đầy đủ thiết bị để thực hiện.
– Phương pháp Laser: Dùng năng lượng của bước sóng ánh sáng để loại bỏ khối amidan bị viêm nhiễm. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian thực hiện nhanh, không gây đau, ít gây chảy máu, diệt khuẩn tốt. Nhưng nhược điểm là dễ gây nhiễm trùng tại vết cắt nếu không được xử lý tốt, nguy hiểm hơn là có thể để lại sẹo, ảnh hưởng đến dây thanh quản, dẫn đến thay đổi giọng nói về sau.
– Phương pháp Electrocautery: Phương pháp này loại bỏ amidan bằng năng lượng điện. Tuy làm giảm khả năng mất máu trong quá trình cắt nhưng Electrocautery lại có thể gây tổn thương đến các vùng mô lành xung quanh amidan. Điều này khiến người bệnh cảm thấy đau nhức, khó chịu ở vùng cổ họng sau khi thực hiện thủ thuật cắt amidan.
Ngoài các phương pháp kể trên, còn có các phương pháp cắt amidan khác như Sluder, Anse,… Tùy thuộc vào trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn, lựa chọn cho người bệnh phương pháp phù hợp nhất.
Một số lưu ý khi điều trị viêm amidan lưỡi
Khi điều trị viêm amidan lưỡi người bệnh cần chú ý tuân thủ một số điều sau để bệnh nhanh khỏi dứt điểm và không tái phát:
- Nên ăn các loại thức ăn thanh đạm, dễ nuốt giúp hấp thu dễ dàng, tránh trường hợp người bệnh bị đau không ăn được dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu chất
- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất, uống nhiều nước giúp cơ thể tăng cường đề kháng, nhanh chóng đẩy lùi các loại vi khuẩn, vi rút có hại
- Vệ sinh miệng thường xuyên bằng cách sử dụng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch chuyên dụng
- Trong quá trình mắc bệnh người bệnh sẽ có triệu chứng sốt, lúc này có thể sử dụng thuốc hạ sốt, nhưng lưu ý là dùng bất cứ loại thuốc nào cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ tránh trường hợp thuốc không phù hợp người bệnh sẽ bị sốc thuốc
Một số món ăn tốt cho người bị viêm amidan lưỡi
Súp gà
Súp gà giúp tiêu đờm, kháng viêm rất tốt, ngoài ra nó còn có tác dụng giảm đau rát họng do viêm amidan gây nên.
Nguyên liệu: 50g thịt gà, bột năng, gừng tươi, 1 quả trứng gà, nấm, gia vị
Thực hiện: Gà luộc chín xong thái nhỏ; nấm hương ngâm nở, nhặt sach, thái chỉ; gừng cạo vỏ, băm nhỏ. Đun sôi nước dùng, cho các loại gia vị và thịt gà vào đun, tiếp đó cho trứng vào đánh tan; pha bột năng với nước xong quấy đều đổ từ từ vào nồi để món súp có độ sệt. Khi ăn chúng ta có thể rắc thêm chút hành và tiêu để giúp tăng mùi vị
Cháo bách hợp
Bách hợp theo đông y là vị thuốc có tính hàn, vị đắng, công dụng chữa các chứng viêm nhiễm đường hô hấp hiệu quả. Nếu kết hợp bách hợp với các vị thuốc khác như sinh tân, chỉ khát, kha tử,.. thì hiệu quả còn tăng lên gấp nhiều lần.
Nguyên liệu: 100g gạo; 30g bách hợp; 12g kha tử; 4g ngũ vị; 16g đẳng sâm; 40g đường trắng
Thực hiện: Rửa sạch đẳng sâm, kha tử, ngũ vị rồi cho vào 1 túi vải sạch xong cho túi vải này vào nấu cháo cùng với bách hợp và gạo. Khi cháo chín thì vớt túi vải ra cho thêm đường vào khuấy đều. Như vậy ta đã có món cháo bách hợp thơm ngon, bổ dưỡng giúp giảm các triệu chứng viêm amidan nhanh chóng
Canh hẹ nấu đậu hũ
Lá hẹ có tính ấm và chứa nhiều thành phần như allcin, sulfit, odorin… có tác dụng tiêu đờm, giải độc, hành khí rất tốt cho những người bị mắc các bệnh đường hô hấp, viêm amidan. Chúng ta có thể chế biến lá hẹ với đậu hũ non thành món ăn chữa viêm amidan rất tốt
Nguyên liệu: 1 bó lá hẹ; 200g đậu hũ non; 100g thịt lợn cùng các loại gia vị khác
Cách làm: Rửa sạch thịt lợn xong băm nhỏ, ướp cùng các loại gia vị. Cho dầu ăn vào nồi xong cho thịt băm vào đảo đều cho ngấm gia vị, sau đó cho thêm nước vừa đủ. Nước sôi cho thêm đậu hũ non vào đun thêm 5 phút xong cho lá hẹ vào, nêm gia vị vừa ăn xong tắt bếp. Như vậy là hoàn thành món canh lá hẹ đậu hũ giúp đẩy lùi các triệu chứng viêm amidan hiệu quả.
➤ Xem thêm: Viêm amidan ăn gì kiêng gì?
Trên đây là những thông tin về chứng bệnh viêm amidan lưỡi – một chứng bệnh đường hô hấp phổ biến. Hi vọng với những thông tin này sẽ giúp các bạn có kiến thức để phòng ngừa và điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả.