Cắt amidan có nguy hiểm không?

Cắt amidan là tiểu phẫu khá đơn giản nhưng cần cẩn trọng vì chỉ một sơ sót nhỏ có thể gây ra những biến chứng gây ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí tính mạng. Vậy cắt amidan có nguy hiểm không? Cùng trả lời câu hỏi trên qua những thông tin dưới đây.

Cắt amidan có nguy hiểm không? 1

Khi nào nên cắt amidan?

Amidan là tế bào lympho có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố gây hại. Amidan còn là nơi sản xuất các kháng thể IgG rất cần thiết đối với miễn dịch cơ thể. Khi amidan chống lại sự tấn công của các yếu tố gây hại ồ ạt vào mũi họng quá mức khiến bộ phận này bị viêm, sưng đỏ. Tuy nhiên, không phải trường hợp viêm amidan nào cũng đều phải cắt? Tùy từng trường hợp được chỉ định cắt amidan hay không.

Cắt amidan là thủ thuật loại bỏ hai khối amidan hoàn toàn từ phía sau cổ họng. Thủ thuật này thường được áp dụng cho những trường hợp:

  • Bị viêm amidan tái phát thường xuyên
  • Người bệnh bị áp xe amidan
  • Người bệnh bị khó thở, tắc nghẽn họng, ngưng thở khi ngủ hoặc nhiễm khuẩn tái phát rất nhiều lần
  • Viêm amindan gây ra các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc những biến chứng nặng như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận…
  • Người bệnh được chỉ định cắt amidan khi có nhiều ngóc ngách chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng, nuốt vướng, hoặc nghi ngờ ác tính.

Thông thường, với những trẻ trên 5 tuổi bắt đầu được cắt amidan. Với một số trường hợp trẻ dưới 5 tuổi nhưng amidan quá to cũng được chỉ định cắt. Hiện nay, nhiều trường hợp trên 50 tuổi vẫn cắt amidan. Cần lưu ý, cắt amidan phải được bác sĩ chỉ định.

Những đối tượng không được chỉ định cắt amidan:

  • Trẻ em dưới 5 tuổi
  • Phụ nữ đang có thai, đang cho con bú hoặc đang trong thời kỳ kinh nguyệt
  • Người có tiền sử mắc các bệnh như cao huyết áp, rối loạn đông máu, suy tim…

Cắt amidan có nguy hiểm không?

Phẫu thuật cắt amidan là thủ thuật đơn giản và dễ thực hiện nên tương đối an toàn. Đối với bác sĩ có chuyên môn sẽ không mất nhiều thời gian để thực hiện thủ thuật này. Tuy nhiên phương pháp nào cũng vậy, không thể đảm bảo chắc chắn là an toàn tuyệt đối, vẫn có những rủi ro tiềm ẩn. Và thực tế, có một số biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện thủ thuật này cụ thể:

Tình trạng chảy máu

Theo thống kê, có tới 2 – 3 % trường hợp cắt amidan bị chảy máu. Trong quá trình phẫu thuật nếu thực hiện không đúng kỹ thuật có thể khiến người bệnh bị rối loạn đông máu hoặc chế độ sinh hoạt và ăn uống không đúng cách sau khi cắt amidan dẫn tới chảy máu.

  • Với tình trạng xuất huyết nguyên phát (trong vòng 24 giờ): Nguyên nhân do bác sĩ làm đứt mạch máu gần amidan
  • Xuất huyết thứ phát: Thường do các vẩy bong tróc khỏi vết thương hoặc sinh hoạt không đúng cách

Bên cạnh đó, trong quá trình cắt amidan, người bệnh sẽ nuốt một ít máu. Sau phẫu thuật, máu chảy ra cùng nước bọt hoặc khi nôn. Máu thường có màu nâu như bã cà phê. Những trường hợp này không đáng ngại, nhưng nếu máu chảy liên tục cần báo ngay cho bác sĩ.

Biến chứng của gây mê

Biến chứng của gây mê 1

Để giảm mức độ đau của thủ thuật cắt amidan, người bệnh sẽ được gây mê. Trong một số trường hợp có thể xảy ra sốc phản vệ do cơ thể phản ứng lại với các thành phần của thuốc. Một số triệu chứng của sốc phản vệ như:

  • Buồn nôn và nôn
  • Sốt cao
  • Suy hô hấp…

Do đó, trước khi thực hiện dẫn mê cũng như phẫu thuật người bệnh cần được kiểm tra cũng như làm xét nghiệm cụ thể để kiểm tra phản ứng của bản thân.

Nhiễm trùng

Amidan bị viêm nhiễm có chứa khá nhiều vi trùng, trong trường hợp bác sĩ thực hiện sai kỹ thuật có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt không hợp lý sau cắt amidan cũng có thể dẫn tới tình trạng này. Các biến chứng thường gặp như:

  • Viêm hố mổ: Các trụ và mãn hầu tấy đỏ và phù nề nghiêm trọng, vùng hàm có nhiều giả mạc dày, màu xám; cổ sưng đau, nổi hạch; bệnh nhân sốt cao.
  • Viêm tai giữa cấp tính: Trẻ sốt cao, đau tai
  • Viêm phế quản: Thường gặp ở người bệnh hít máu và chất bẩn trong quá trình gây mê và cắt amidan
  • Tình trạng nhiễm khuẩn huyết do viêm tắc mạch cảnh: Người bệnh có dấu hiệu sốt cao, rét run, cổ sưng tấy, mặt nhiễm khuẩn có thể dẫn tới tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Các biến chứng khác

Ngoài các biến chứng trên, phẫu thuật cắt amidan có thể gây ra các biến chứng như:

  • Sụt cân
  • Ăn uống không ngon miệng
  • Mất nước
  • Phù nề lưỡi gà
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Chảy nước bọt
  • Nổi ban và đau đầu
  • Giọng nói có thể bị thay đổi hoặc khó nói sau khi cắt amidan

Hạn chế nguy hiểm khi cắt amidan bằng cách nào?

Cắt amidan tuy là thủ thuật đơn giản, dễ thực hiện nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro, biến chứng (như đã nói ở trên). Vậy để hạn chế những nguy hiểm mà cắt amidan có thể gây ra thì người bệnh cần làm như thế nào? Dưới đây là một số lưu ý:

  • Chuẩn bị tinh thần và thể lực tốt trước khi tiến hành phẫu thuật. Một thể lực tốt sẽ giúp chúng ta nhanh chóng phục hồi sau phẫu thuật hơn
  • Nên lựa chọn địa chỉ cắt amidan là bệnh viện uy tín với đội ngũ y bác sĩ có tay nghề cao, như vậy sẽ tránh được các tai nạn, rủi ro do tay nghề kém của bác sĩ gây ra.
  • Lựa chọn phương pháp phẫu thuật tiên tiến, hiện đại cũng hạn chế được phần nào nguy hiểm. Chẳng hạn lựa chọn cắt amidan bằng náy Coblator sẽ ít gây đau đớn, hạn chế chảy máu, thời gian thực hiện ngắn, sau phẫu thuật người bệnh phục hồi nhanh, biến chứng và rủi ro sau phẫu thuật vì thế mà cũng được hạn chế tối đa. Tuy nhiên phương pháp này lại chi phí lại khá đắt đỏ nên nhiều người bệnh có thể sẽ cân nhắc khi thực hiện
  • Nếu phẫu thuật phải gây mê thì người bệnh cần yêu cầu kiểm tra, thử nghiệm, làm các xét nghiệm cụ thể xem cơ thể có phù hợp với loại thuốc mê đó không. Như vậy sẽ tránh được rủi ro, biến chứng mà thuốc gây mê có thể gây ra.
  • Tìm hiểu rõ về chế độ dinh dưỡng cũng như phương pháp chăm sóc người bệnh sau cắt amidan, những gì nên làm và những gì nên tránh. Như vậy sẽ giúp người bệnh hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng và một số biến chứng khác sau cắt amidan.

Chăm sóc người bệnh sau cắt amidan

Cắt amidan có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể trạng người bệnh, chăm sóc sau phẫu thuật và tay nghề của bác sĩ. Để phòng biến chứng sau cắt amidan ngoài việc chọn cơ sở uy tín để thực hiện cần có chế độ chăm sóc đúng cách.

Chăm sóc người bệnh sau cắt amidan 1

Chế độ sinh hoạt

  • Sau 4 giờ đầu sau khi thực hiện phẫu thuật cắt amidan tuyệt đối không được vận động mạnh. Nằm cần nằm nghiêng và không dùng gối nhằm tránh gây chảy máu vết thương.
  • Người nhà cần theo dõi kỹ, nếu xảy ra biến chứng cần đưa người bệnh tới ngay trung tâm y tế
  • Kiêng nói những ngày đầu tiên để tránh sự co kéo của các cơ trong vùng họng để tránh tình trạng giọng nói sau này bị ảnh hưởng
  • Giữ ấm vùng cổ để vết thương nhanh hồi phục (thông thường thời gian hồi phục tầm 14 ngày).
  • Vệ sinh miệng sạch sẽ để tránh gây viêm họng sau cắt amidan. Khi súc miệng cần lưu ý không được khạc mạnh để tránh bong giả mạc (lớp màng trắng có tác dụng bảo vệ và cầm máu hốc mủ sau cắt amidan, chúng tự bong từ 7 – 10 ngày).
  • Cần uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và khám đúng lịch hẹn

Chế độ ăn uống

  • Cần chế biến các món ăn dạng nhừ, dễ ăn, dễ tiêu hóa. Cần tránh các chất chua, cay, thực phẩm cứng, nóng trong khoảng thời gian ít nhất 10 – 12 ngày.
  • Cần tích cực uống nhiều nước đặc biệt là các loại nước ép hoa quả, sữa tươi, sữa chua…rất tốt cho người bệnh vừa phẫu thuật amidan
  • Không sử dụng rượu bia, hút thuốc lá tránh kích thích

Tìm hiểu một số phương pháp cắt amidan hiện nay

Cắt amidan bằng máy Coblator

Đây được coi là phương pháp cắt amidan hiện đại nhất ở nước ta cho đến hiện tại. Phương pháp này sử dụng sóng điện từ có tần số cao (hay còn gọi là sóng radio) kết hợp với đầu dò thông minh và kính soi điện tử hiện đại.

Tìm hiểu một số phương pháp cắt amidan hiện nay 1

Khi máy hoạt động, nguồn năng lượng từ sóng radio sẽ tạo ra một đám mây dẫn điện (gọi là dao plasma) giúp phá hủy các mô tế bào với nhiệt độ từ 60-70 độ C. Mức nhiệt này thấp hơn rất nhiêu so với dao điện hoặc laser (với mức nhiệt từ 200-300 độ C)

Chính vì thế cắt amidan bằng Coblator có rất nhiều ưu điểm như:

  • Ít gây đau, không gây bỏng cho người bệnh
  • Sử dụng dòng điện tạo ra bằng sóng cao tần giúp cầm máu tốt trong quá trình phẫu thuật.
  • Thời gian thực hiện nhanh, chỉ từ 15-20 phút
  • Đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các tổ chức viêm nhiễm, hạn chế tối đa biến chứng và rủi ro phẫu thuật
  • Người bệnh phục hồi nhanh, người bệnh có thể xuất việt sau 4h phẫu thuật và có thể nói được chỉ sau mổ 1 ngày.

Với rất nhiều ưu điểm như đã kể ở trên, vậy nhược điểm của phương pháp này là gì? Nhược điểm duy nhất của cắt amidan bằng máy Coblator chính là chi phí cao nên rất nhiều người bệnh còn cân nhắc, e ngại khi muốn sử dụng công nghệ này.

Cắt amidan bằng Electrocautery

Phương pháp này sử dụng năng lượng điện tác động vào khối amidan bị viêm giúp loại bỏ chúng trong thời gian ngắn.

Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế tối đa tình trạng mất máu, thời gian thực hiện nhanh chóng.

Còn nhược điểm là trong quá trình thực hiện có thể gây tổn thương các mô khác ở xung quanh khối amidan. Cùng với đó là người bệnh thường cảm thấy đau rát và khó chịu sau khi phẫu thuật.

Cắt amidan bằng Laser

Đây là phương pháp được khá nhiều bệnh viện áp dụng hiện nay. Phương pháp này sử dụng năng lượng của các bước sóng ánh sáng để loại bỏ khối amidan tổn thương.

Ưu điểm khi cắt amidan bằng Laser:

  • Thời gian phẫu thuật nhanh
  • Vùng amidan bị viêm được loại bỏ tối ưu mà không gây ảnh hưởng đến vùng mô xung quanh
  • Hạn chế chảy máu do tia laser có độ ấm nên có thể cầm máu khá tốt
  • Tia laser có khả năng diệt khuẩn nên hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật

Nhược điểm:

  • Sau khi hết thuốc tê người bệnh sẽ cảm thấy đau
  • Vết cắt có thể để lại sẹo, gây ảnh hưởng đến dây thanh quản dẫn tới khàn giọng
  • Việc chọn chỗ phẫu thuật không uy tín hoặc quá trình chăm sóc sau mổ không tốt có thể khiến vết mổ bị nhiễm trùng.

Cắt amidan bằng phương pháp Sluder

Phương pháp này thực hiện bằng cách gây mê bệnh nhân sau đó lấy toàn bộ khối amidan bị viêm ra ngoài thông qua một lỗ cửa sổ của dụng cụ.

Ưu điểm của phương pháp này là giúp loại bỏ được khối amidan có kích thước lớn, lấy được cả chân cuống amidan. Quá trình thực hiện cũng nhanh chóng. Tuy nhiên nhược điểm của nó là gây biến chứng hậu phẫu cao, chẳng hạn như biến chứng ngất do gây mê, nhiễm khuẩn và chảy máu sau phẫu thuật.

Cắt amidan tuy là tiểu phẫu đơn giản, dễ thực hiện nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu người bệnh không tìm hiểu kỹ cũng như lựa chọn nơi phẫu thuật không uy tín. Với những chia sẻ ở trên, hi vọng các bạn hiểu rõ hơn về những rủi ro mà phương pháp này có thể mang lại, đồng thời bổ sung thêm kiến thức giúp bản thân và gia đình có thể hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải những nguy hiểm này. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì về vấn đề này, các bạn hãy gọi về tổng đài tư vấn miễn cước 18001208 để được các dược sĩ chuyên môn hỗ trợ.

Cập nhật lúc: 17/01/2024
📌LƯU Ý: Để đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất, khi Quý khách ra nhà thuốc, vui lòng mang đúng hình ảnh sản phẩm Heviho, đọc đúng tên Heviho để mua được đúng hàng, và KHÔNG MUA CÁC SẢN PHẨM THAY THẾ khác!

Bài viêt liên quan

Xem thêm »

Có thể bạn quan tâm

Loading...